Sôi động thị trường chuyển nhượng

Không quá ồn ào, nhưng những phi vụ mua lại quyền phát triển dự án của nhiều đại gia BĐS đang diễn ra âm thầm và quyết liệt hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Công ty Đất Xanh đã thực hiện 6 thương vụ, như mua lại dự án cao ốc VP và căn hộ Thế kỷ 21 của CTCP Thế kỷ 21, với giá trị nhận chuyển nhượng vào khoảng 135 tỷ đồng và dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 610 tỷ đồng. Một thương vụ đáng chú ý khác, Đất Xanh mua lại 100% cổ phần tại CTCP Đầu tư Lộc Phước Thịnh để được quyền triển khai tiếp dự án chung cư Tân Kiểng (Quận 7, TP. HCM) có tổng vốn đầu tư ước 866 tỷ đồng.

Đại diện Đất Xanh cho biết, trong thời gian tới, Đất Xanh sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các thương vụ mua bán, hợp tác đầu tư các quỹ đất sạch, pháp lý tốt để triển khai các dự án trong giai đoạn 2015 – 2020.

 

Công ty Đất Xanh đầu tư vào nhiều dự án BĐS trong thời gian qua


Tương tự, tại Đại hội cổ đông diễn ra mới đây, CTCP Bất động sản (BĐS) Phát Đạt cũng đã đưa ra quyết định chuyển nhượng dự án The EverRich 2 (Quận 7) cho Công ty Luyện cán thép Hiệp Phát với mức giá chuyển nhượng được "bật mí" không thấp hơn giá trị mà công ty đã đầu tư. Trước đó không lâu DN BĐS này cũng đã thành công trong việc thương thuyết mua lại 2 dự án ở khu vực quận 1 với vị trí khá đắc địa...

Thời gian qua, việc chuyển nhượng quyền phát triển dự án đã diễn ra tuy âm thầm nhưng đã trở thành một xu hướng đầu tư mới khá phổ biến trên thị trường BĐS.

Theo một số chuyên gia, thời gian qua thị trường BĐS đã diễn ra khá ồn ào với một số DN không chuyên nhảy vào lĩnh vực BĐS. Khi thị trường xuống dốc, kinh tế khó khăn không còn nguồn lực để tiếp tục phát triển dự án khiến cho nhiều công trình đang xây dựng dang dở, hoặc thậm chí chỉ mới giải phóng xong mặt bằng đã phải chịu cảnh "án binh bất động". Tuy nhiên, trên thương trường khó khăn của người này đôi khi lại là thuận lợi của người kia, nên với các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh thì đây lại là cơ hội tốt.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, việc mua bán, chuyển nhượng dự án giữa các chủ đầu tư diễn ra trên tinh thần hợp tác cùng có lợi và với nhiều hình thức khác nhau. Có thể là mua dự án chưa xây mới giải phóng mặt bằng, vừa mới xây hoặc thậm chí là dự án dở dang "trùm mền" trong một vài năm trước đó do khó khăn tài chính. Do vậy, khi về tay chủ mới, các dự án đó vẫn phải bắt đầu từ khâu thiết kế, xây dựng, bán hàng... để biến nó thực sự trở thành sản phẩm, "đứa con" của mình.

Lợi ích nhất định của việc mua lại quyền phát triển dự án chính là rút ngắn được thời gian trong khâu thủ tục, xin phép đầu tư (1 - 2 năm), bởi phần lớn đây đã là đất sạch. Hơn nữa, chủ đầu tư mới phát triển dự án sau này cũng sẽ tiết giảm được một số chi phí ban đầu.

Nhận định về xu hướng đầu tư mới này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (Horea) cho rằng, việc mua lại dự án để tiếp tục phát triển không chỉ là hoạt động thương mại đem lại lợi ích cho cả người mua và bên bán, mà quan trọng hơn với những dự án dở dang, "đắp chiếu" nhiều năm có được cơ hội hồi sinh, góp phần giải quyết nợ xấu, hàng hóa tồn đọng trên thị trường và tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt cho người tiêu dùng.

Theo Công ty Luật PLF, chủ đầu tư dự án BĐS được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS khi đáp ứng các điều kiện về dự án dự định chuyển nhượng, điều kiện đối với chủ đầu tư chuyển nhượng và chủ đầu tư nhận chuyển nhượng.

Đối với chủ đầu tư nhận chuyển nhượng phải là DN kinh doanh BĐS, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án. Ngoài ra, việc chuyển nhượng phải đảm bảo các nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu của dự án, bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan.



BĐSGOVAP.com - TheoThời báo Ngân hàng