Xem xét khởi tố vụ sập giàn giáo làm 3 người chết ở Quận 7
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị cần nhanh chóng kiểm tra, giám định nguyên nhân sai phạm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đặc biệt là năng lực hành nghề của các cá nhân, đơn vị thi công tham gia trong hoạt động xây dựng để tiến hành khởi tố vụ án, vì đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo tại buổi họp.
Chiều 13-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp về sự cố sập giàn giáo xảy ra tại công trình xây dựng tòa nhà 17 tầng (phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) khiến 3 người chết và 5 người bị thương vào sáng ngày 10-7 vừa qua.
Tại buổi họp, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết công tác cứu hộ được thực hiện nhanh dù công trình khi đổ sập rất phức tạp và khó khăn khi ngổn ngang sắt, thép, bê-tông. Ông Minh đưa ra hai nguyên nhân có khả năng gây ra sự cố là khi đổ bê-tông có mưa giông đã làm xô lệch giàn giáo. “Vì vậy cần kiểm tra lại thiết kết giàn giáo có chịu lực hay không”, thiếu tướng Minh nói.
Khả năng thứ hai là thiết kế giàn giáo sai kỹ thuật. Vì vậy ông Minh đề nghị cần thu giữ giàn giáo để đi kiểm định xem giàn giáo rỉ sét hay không để từ đó mới biết kết quả về nguyên nhân xảy ra tai nạn. Ông cũng đề nghị nên có tổ chức tham gia giám định độc lập để tìm nguyên nhân vụ sập giàn giáo, từ đó mới có thể truy tố trách nhiệm.
Đồng tình với ý kiến của ông Minh là cần phải thuê đơn vị giám định độc lập để tìm nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho biết Sở đang xác định nguyên nhân xảy ra sự cố. Theo ông Tuấn, qua kiểm tra ban đầu cho thấy công trình do sụp đổ từ trên xuống thì nguyên nhân không phải là do mưa mà nguyên nhân có thể xuất phát từ chất lượng giàn giáo có đảm bảo không, quá trình thi công giàn giáo có đúng thiết kế hay không, đồng thời cũng không loại trừ khả năng có sự đột biến về tải trọng. Sau khi xác định rõ nguyên nhân sẽ có xử lý trách nhiệm tổng thầu thi công xây dựng, tư vấn quản lý dự án, giám sát, chủ đầu tư và một số cá nhân khác.
Về trách nhiệm để xảy ra sự cố, ông Tuấn cho rằng đây là trách nhiệm của nhà đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thi công, nhà thầu, ban quản lý dự án... Sở Xây dựng sẽ kiểm tra chấp hành pháp luật của chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, đặc biệt là năng lực hành nghề của các cá nhân tham gia trong hoạt động xây dựng.
Ông Hà Phước Thắng, Trưởng Ban Quản lý khu Nam cho biết đã phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra chất lượng của giàn giáo, thi công giàn giáo theo thiết kế, vấn đề đột biến về tải trọng trong việc thi công... "Hiện công trình đã bị đình chỉ thi công để các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân", ông Thắng cho biết.
Trước các ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị cần nhanh chóng kiểm tra, giám định các nguyên nhân sai phạm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đặc biệt là năng lực hành nghề của các cá nhân, đơn vị thi công tham gia trong hoạt động xây dựng để tiến hành khởi tố vụ án, vì đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Quân cũng đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy, Công an TP cần kiểm tra hết các khâu về trách nhiệm của chủ đầu tư, thiết kế, công ty tư vấn, giám sát công trình và trách nhiệm của tư vấn quản lý để kiểm tra giàn giáo có đảm bảo hay không để cơ quan công an có kết quả khởi tố vụ án.
“Qua sự cố này, chúng ta cũng rút ra bài học rất lớn về lực lượng lao động. Trong đó, việc nhà thầu phải sử dụng lao động thời vụ, không có bảo hiểm lao động, bảo hiểm xã hội phải được các sở ngành quan tâm. Trong đó, việc đảm bảo an toàn lao động, kiểm tra kỹ năng, ý thức trong lao động của người lao động, đặc biệt là tại các công trình càng phải tăng cường”, ông Quân nói và yêu cầu các sở ngành TP có liên quan xây dựng quy chế để xác định rõ trách nhiệm và có biện pháp chế tài nghiêm khắc.
Về công tác hỗ trợ cho các nạn nhân bị tai nạn, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết hiện lãnh đạo địa phương cùng sở ngành, chủ đầu tư… cũng đã thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân. Đến nay, UBND Quận 7 hỗ trợ 5 triệu đồng người bị thương, hỗ trợ gia đình có người thân bị tử vong 10 triệu đồng/gia đình.
Đơn vị thi công trình gây ra sự cố cũng hỗ trợ tạm thời cho nạn nhân bị thương nhẹ là 10 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương nặng là 20 triệu đồng/người. Đối với người mất, đơn vị thi công sẽ lo tất cả chi phí ma chay, xe đưa về quê, 36 tháng lương, 93 triệu đồng tiền bảo hiểm, quỹ học bổng cho con nạn nhân đến 18 tuổi.
Còn chủ đầu tư hỗ trợ cho nạn nhân bị thương nhẹ là 10 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương nặng là 20 triệu đồng/người và 30 triệu đồng/người mất.
BĐSGOVAP.com - Theo Pháp Luật TPHCM
Tin khác
- 2 công nhân rơi từ tầng 12 công trình HQC Plaza xuống đất, 1 người tử vong
- Mua nhà thế chấp có an toàn?
- 8 bí quyết vàng giúp đầu tư bất động sản thành công
- Đình chỉ thi công cao ốc bị sập giàn giáo làm 3 người chết
- Hiện trường vụ sập giàn giáo công trình Mapletree Business Centre làm 3 người chết
- Tiếp tục cập nhật: 3 người chết, 4 người bị thương trong vụ sập giàn giáo tại TPHCM
- “Loạn” số liệu báo cáo thị trường bất động sản
- 36 kế trong kinh doanh bất động sản
- Đầu tư bất động sản: Cách nào để có lãi?
- Bí quyết đầu tư bất động sản cho thuê để tiền vào như nước