Sẽ xóa quy hoạch dự án kéo dài

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện khiến người dân trong khu vực dự án rất bức xúc. Thực tế, nhiều người dân đang chịu khổ vì dự án treo, quy hoạch treo.
 


Khu vực thuộc xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) quy hoạch dự án khu dân cư 10 năm nay chưa triển khai khiến đời sống người dân rất khó khăn.


Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện toàn tỉnh có 1.108 công trình, dự án với tổng diện tích gần 17 ngàn hécta. Trong giai đoạn 2011-2015, qua rà soát các ngành chức năng của tỉnh phát hiện hơn 200 dự án triển khai chậm. Sở Kế hoạch - đầu tư đã rút giấy chứng nhận đầu tư của 75 dự án, đang đề nghị tỉnh thu hồi thêm 9 dự án nữa. Trong số đó, có không ít “dự án” treo bị rút giấy chứng nhận đầu tư, song vẫn giữ nguyên quy hoạch để mời gọi nhà đầu tư khác, nhưng nhiều năm chưa mời gọi được, trở thành “quy hoạch treo”.

Dân khổ nhiều năm
 

Ông Hồ Thanh Sơn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết đã yêu cầu các sở ngành căn cứ Luật Đầu tư công để đưa các dự án có thể triển khai vào chu kỳ quy hoạch đất đai giai đoạn tới. Tránh việc đưa quá nhiều dự án vào trong quy hoạch, không thực hiện được dẫn đến quy hoạch treo làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
 

Có những dự án quy hoạch nhiều năm chưa thực hiện làm quyền lợi của người dân trên mảnh đất nằm trong vùng quy hoạch bị hạn chế. Có những dự án kéo dài 10 năm chưa triển khai và mong muốn của người dân chỉ là nếu làm dự án thì mau chóng bồi thường để dân giao đất đi nơi khác lập nghiệp, còn nếu dự án không khả thi thì xóa quy hoạch trả lại mọi quyền lợi cho dân. Những địa phương có nhiều dự án triển khai chậm là các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP. Biên Hòa.

Ông Lương Văn Trận, ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), bày tỏ: “Hơn 10 năm nay, nhà và đất của tôi rơi vào quy hoạch làm khu dân cư nhưng bị treo nên không thể đầu tư phát triển kinh tế được. Ngay chuyện tối thiểu là con cái lớn có gia đình muốn chia cho miếng đất cất nhà cũng không được. Cả gia đình 3 thế hệ hơn 10 người cứ phải chen chúc trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp không được sửa sang”.

Thực tế, trong số những dự án quy hoạch treo trên địa bàn tỉnh có khá nhiều dự án của Trung ương. Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Đồng Nai là tỉnh đầu mối về giao thông nên trong những dự án quy hoạch treo dài kỳ có nhiều dự án thuộc Trung ương: đường cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Đà Lạt, đường sắt cao tốc... Những dự án này xin bỏ quy hoạch thì Trung ương không đồng ý”. Cũng theo ông Hưng, cũng có những dự án tỉnh cấp phép kéo dài nhiều năm chưa thực hiện, phần lớn là do chủ đầu tư thiếu vốn hoặc khu vực đó triển khai dự án chưa khả thi. Theo bà Hoàng Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, có những dự án quy hoạch qua 2 nhiệm kỳ (10 năm), gia hạn 5-6 lần vẫn không triển khai, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư xong lại… để đó đợi nhà đầu tư khác, nhưng không có nhà đầu tư mới thành quy hoạch treo.

Xóa quy hoạch nếu không khả thi

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong giai đoạn 2011-2015, sở đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 75 dự án trong nước và nước ngoài, tiến hành gia hạn cho 72 dự án. “Hàng quý, sở vẫn phối hợp với các địa phương rà soát lại các dự án trên địa bàn, những dự án kéo dài không có khả năng thực hiện đều tiến hành rút giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng cũng có các dự án quy hoạch nhưng không bố trí được vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa thực hiện được” - ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư nói.

Huyện Nhơn Trạch có 189 dự án với hơn 7.200 hécta, hầu hết các dự án đều triển khai chậm so với tiến độ. Tại huyện Long Thành có khoảng 35 dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm như: dự án khu dân cư Long Đức ở xã An Phước và Long Đức, dự án khu dân cư - dịch vụ Bình Sơn tại xã Bình Sơn, dự án khu đô thị du lịch sinh thái chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh golf Long Thành... TP.Biên Hòa có 175 dự án thì có 23 dự án chậm triển khai, thành phố đề nghị thu hồi và hủy quy hoạch 6 dự án không còn phù hợp vì quá đông dân cư.

Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh khiếu nại về đất đai luôn chiếm số lượng đông nhất, khoảng 70% trong các vụ khiếu nại. Và những điểm “nóng” về khiếu kiện đông người hầu hết đều rơi vào đất đai.
 

Bà Quách Ngọc Lan, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, nhận xét: “Dự án triển khai chậm dẫn đến quy hoạch treo là do thời gian qua tình hình kinh tế khó khăn nên không bố trí được vốn. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp đang cố tình giữ đất để đó”. Bà Lan cho biết thêm, đã yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm 2015 rà soát lại tất cả các dự án. Những dự án quy hoạch treo không khả thi sẽ đưa ra khỏi quy hoạch đất đai trong giai đoạn 2016-2020 để trả lại quyền lợi cho dân. Với các đơn vị cố tình kéo dài dự án sẽ xử lý thật nghiêm nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.


BDSGOVAP.com - Theo DiaOcOnline.vn